Hoàng Nguyên, người Đăk Nông, trúng học bổng toàn phần Đại học Duke, sau khi là học sinh Việt đầu tiên giành huy chương bạc Olympic Kinh tế quốc tế.
Nguyễn Hoàng Nguyên, 18 tuổi, nhận tin giành học bổng toàn phần Đại học Duke, ngành Kinh tế học, hồi tháng 2. Trường ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ, theo US News 2024. Học bổng của Nguyên trị giá khoảng 94.600 USD mỗi năm, tương đương 380.000 USD (9,2 tỷ đồng) cho bốn năm học.
“Em đã bung hết sức ba năm THPT để chuẩn bị hồ sơ và không ngừng ước mơ. Đây là quả ngọt sau rất nhiều nỗ lực”, Nguyên nói. Nam sinh đã đến Mỹ nhập học vào đầu tháng 9.
Khi còn là học sinh cấp 2 ở Đắk Nông, Nguyên đã đặt mục tiêu du học Mỹ. Nhận định rằng chỉ có học tiếng Anh mới có thể mở ra cánh cửa du học nên Nguyên xin bố mẹ thi vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk.
“Điều kiện học tập tiếng Anh ở quê em khi đó còn khó khăn, đặc biệt là giao tiếp. Em nghĩ rằng môi trường chuyên Anh sẽ giúp em điều này”, Nguyên kể.
Sau khi đỗ, nam sinh sống xa nhà hơn 100 km. Vì đã sống tự giác từ nhỏ, tự nấu nướng và chăm sóc bản thân, Nguyên không gặp khó khi ở ký túc xá của trường. Theo em, xa nhà sớm giúp thúc đẩy tính tự lập, khả năng xoay sở một mình, đặc biệt hữu ích cho việc đi du học.
“Em muốn du học Mỹ nên đã tìm hiểu và biết rằng bản thân cần chuẩn bị tốt ở hai khía cạnh: học lực và kỹ năng sống”, Nguyên chia sẻ.
Vì thế, Nguyên cũng nỗ lực duy trì điểm học tập và tham gia nhiều cuộc thi học thuật trong, ngoài nước. Ở trường, nam sinh tập trung cao độ để ghi chép và hiểu bài, về ký túc xá lại ôn tập và học thêm qua các kênh online. Nhờ đó, điểm trung bình học tập của nam sinh luôn trên 9. Nguyên còn giành huy chương vàng cuộc thi Olympic truyền thống 10/3 của tỉnh, đạt 8.0 IELTS.
Ngoài ra, Nguyên tham gia nhiều cuộc thi tranh biện, sáng lập giải “Tranh biện mở rộng Tây Nguyên” dành cho những học sinh mới theo đuổi bộ môn này.
Nhưng thành tích nổi trội nhất của Nguyên là ở môn Kinh tế học.
“Kinh tế ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ việc làm cho người dân đến sự phát triển của quốc gia. Em muốn hiểu rõ hơn về cách các quyết định kinh tế được đưa ra và làm thế nào chúng có thể tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng”, Nguyên chia sẻ.
Nguyên cho hay nhiều nước có môn Kinh tế học trong chương trình phổ thông nhưng ở Việt Nam không có. Do đó, nam sinh chủ yếu dành thời gian tự đọc, nghiên cứu tài liệu trên mạng và các giáo trình của sinh viên đại học mà em sưu tầm được. Nguyên sau đó cùng bạn bè làm trang “WikiEcon”, dịch hơn 300 bài viết chủ đề Kinh tế học từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
“Em chật vật với các khái niệm, nguyên lý về kinh tế học, nhưng em mong đây trở thành một kênh tham khảo cho những học sinh Việt Nam đang cần tìm kiếm nguồn thông tin cơ bản về kinh tế”, Nguyên nói.
Say mê với môn học này, Nguyên vượt qua nhiều vòng thi để trở thành một trong năm học sinh đầu tiên của Việt Nam tham gia Olympic Kinh tế quốc tế (IEO) vào năm 2022 và giành huy chương đồng. Năm 2023, Nguyên đổi màu thành tấm huy chương bạc, cũng là thành tích tốt nhất của học sinh Việt Nam.
Cuộc thi gồm 3 phần: Toán kinh tế, Tài chính giả lập và Giải tình huống kinh doanh. Theo Nguyên, học sinh Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì thời gian thành lập đội ngắn, chỉ 3 tuần, chưa quen cách làm việc với nhau, trong khi phần thi đồng đội chiếm khoảng 25%. Nguyên cùng các bạn trong đội dành nhiều thời gian đọc giáo trình, nghiên cứu đề thi lập đội tuyển của các nước khác và được một số chuyên gia huấn luyện.
Nam sinh cho hay cuộc thi đem lại nhiều bài học về tính thực tế của các bài toán kinh doanh, nhiều kiến thức mới và cách làm việc nhóm.
Với thành tích học tập và ngoại khóa dày dặn, Nguyên vẫn nhận định khả năng xin học bổng toàn phần ở Mỹ rất khó, thường phổ biến ở mức 30 – 50% học phí. Trong khi đó, bố mẹ Nguyên đều là giáo viên, không đủ điều kiện cho em du học nếu không có học bổng.
“Xác định ‘apply’ học bổng Mỹ giống như một cuộc chơi, ‘được ăn cả, ngã về không’, em quyết dốc hết sức cho bộ hồ sơ”, Nguyên nói. Tổng cộng, nam sinh ứng tuyển vào 50 trường, cả trong và ngoài nước Mỹ.
Trong bài luận gửi đến Đại học Duke, Nguyên nói về việc cho đi và nhận lại, với thông điệp là khi giúp đỡ người khác, em cần biết trân trọng người nhận sự giúp đỡ, đặt họ ngang với mình. Đổi lại, khi được giúp đỡ, em cho rằng cũng không nên hạ thấp mình mà coi sự hỗ trợ ấy là động lực để phát triển hơn.
Ngoài Duke, Nguyên trúng tuyển một loạt trường khác ở Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Phần Lan, cũng đều với học bổng 50-100%.
Cô Thái Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm của Nguyên tại trường THPT chuyên Nguyễn Du, nói đã dự liệu được Nguyên sẽ đậu học bổng du học nhưng bất ngờ vì giá trị học bổng lớn như vậy.
“Nguyên là học sinh giỏi tất cả các môn, học tập, ngoại khóa đều sôi nổi. Những gì em đã tích lũy đã được đền đáp một cách xứng đáng”, cô nói.
Nguyên cho hay chọn Kinh tế học của Đại học Duke sau khi đọc các phản hồi của sinh viên về trường. Nam sinh nhận định ngôi trường này không chỉ có chương trình đào tạo tốt mà còn có môi trường học tập thú vị.
“Em thấy chương trình linh hoạt, kết hợp trải nghiệm thực tế. Em cảm nhận có thể tận dụng tối đa các tài nguyên và mạng lưới mạnh mẽ của trường”, Nguyên nói. Nam sinh cho biết đang trong đà tìm hiểu các khía cạnh khác của kinh tế, mở rộng kiến thức học thuật và hướng nghiên cứu trong tương lai.
“Em cũng mong có cơ hội đóng góp cho Olympic Kinh tế Việt Nam hoặc các dự án về giáo dục kinh tế học khác để hỗ trợ các bạn quan tâm cũng như thúc đẩy sự phát triển của môn kinh tế học ở bậc trung học”, Nguyên nói.