Tốt nghiệp trường chuyên đâu phải mấy ai cũng đi du học hay sẽ biến thành con người xuất sắc. Để từ đó người ta lại tự đặt câu hỏi: Học chuyên áp lực lắm, vậy thi chuyên để làm gì?
Một mùa tuyển sinh khốc liệt nữa lại đến. Hẳn nhiên trường chuyên, lớp chọn là điểm đến đáng mơ ước của rất nhiều học sinh và là giấc mộng ấp ủ trong lòng của nhiều phụ huynh. Việc giành được một vé vào lớp chọn ở trường cấp 2 hay trường chuyên cấp 3 là một cuộc đua thật sự gian nan nhưng đầy tự hào.
Nhưng rồi trong mùa tuyển sinh, điểm đầu vào quá cao khiến chúng ta thấy cảnh bố mẹ, con cái, thí sinh khóc lên khóc xuống vì trượt lớp chuyên. Tốt nghiệp trường chuyên đâu phải mấy ai cũng đi du học hay sẽ biến thành con người xuất sắc. Để từ đó người ta lại tự đặt câu hỏi: Học chuyên áp lực lắm, vậy thi chuyên để làm gì?
Năm 15 tuổi, không ít học trò đã phải đối mặt với những câu hỏi mông lung đó và rồi nhận ra, quả thật chẳng có câu trả lời nào hoàn hảo cả!
(Ảnh minh họa)
Áp lực của học sinh trường chuyên
Thương hiệu của trường lớp chất lượng cao sẽ là sự khẳng định năng lực và sức học của người trẻ. Hơn thế nữa, nó sẽ là sự đảm bảo vững chắc cho tương lai bởi nền tảng đã được xây dựng bằng những “viên gạch” chắc chắn. Niềm tự hào của học trò khi được dứng dưới mái trường mơ ước là hiển nhiên. Niềm hãnh diện của bố mẹ khi con vào trường chuyên, lớp chọn cũng là hiển nhiên.
Nhưng công bằng nhé, liệu học sinh chuyên có thực sự hạnh phúc?
Để đặt chân vào trường chuyên là cuộc chiến vô cùng khốc liệt khi ngưỡng điểm đầu vào cao chót vọt. Và khi đặt chân vào được thì học trò lại đối diện với cuộc chiến khác mang tên “xung quanh ai cũng học giỏi”. Sự tuyển sinh khắt khe, chất lượng đầu vào cao sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lớn, ai cũng có ý thức học vì không thua kém bạn bè. Cấp 2 học giỏi nhưng lên cấp 3 giữa rất nhiều “siêu nhân” cùng lớp, bạn có thể xếp dưới đáy của bảng xếp hạng.
(Ảnh minh họa)
Học chuyên đồng nghĩa với chấp nhận chương trình học nhồi nhét khủng khiếp khi lớp 10 thì học chương trình lớp 11, lớp 11 thì học chương trình lớp 12, rồi 12 thì ôn thi bài cũ vì phải thật nhanh chóng để học sinh có thể apply các suất học bổng. Cả năm học cứ chạy theo các kỳ thi, hết thi chuyên đề, lại thi đội tuyển trường, rồi thi học sinh giỏi tỉnh, đến thi Olympic 30/4 đến thi quốc gia.
Học chuyên trao cho học sinh nhiều cơ hội nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” khi phải đối mặt với nỗi ám ảnh “con nhà người ta” mỗi ngày, cảm giác không hạnh phúc vì áp lực nhìn thành công của người khác.
Hãy hiểu giá trị thật của sự vất vả!
Không thể phủ nhận môi trường học tập hơn hẳn đang chờ đón các bạn học sinh ở trưòng chuyên, lớp chọn. Học sinh được ưu ái những điều kiện học hành tốt nhất, được học những giáo viên tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trường đại học đã để một trong những yêu cầu của việc xét tuyển thẳng là thí sinh học chuyên.
Bên cạnh đó, dù thi tuyển hay xét tuyển thì chất lượng đầu vào cao cũng là điều kiện tiên quyết để tạo ra không khí học tập sôi nổi, cạnh tranh điểm số và thành tích. Việc luôn phải ganh đua với những bạn bè cùng tranh lứa sẽ khiến học trò – ngưỡng tuổi luôn khao khát khẳng định bản thân cố gắng phải học hành cho bằng bạn bằng bè. Đó là động lực mãnh liệt để triệt tiêu thói lười nhác, trì trệ tư duy và thúc đẩy sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ.
(Ảnh minh họa)
Năng lực tốt sẽ đi kèm với ý thức rèn luyện tốt. Đa phần các căn bệnh của giới trẻ ngày nay như bạo lực học đường, nghiện game, yêu sớm… không phải là không len lỏi nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn nhiều. Sự ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như đội ngũ giáo viên chuyên sâu sẽ là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công của người trẻ.
Và điều cuối cùng quan trọng không kém, trường chuyên không đơn thuần sinh ra là nơi để “cày cuốc” với sách vở. Giá trị thật của việc học là sự thay đổi ở nhận thức, tư duy và thái độ của bạn trong suốt quãng thời gian học ở trường. Có thể không phải là người xuất sắc nhất nhưng môi trường đa sắc màu ở trường chuyên cho học sinh gặp những con người có sức học khủng, thúc đẩy tham gia hoạt động ngoại khóa và phải sớm tự lập, tự cố gắng khi xung quanh ai cũng đang nỗ lực mỗi ngày.
Suy cho cùng, không có định nghĩa nào là áp lực sớm hay muộn. Đường đời lúc nào cũng ít nhiều khó khăn và học sinh chuyên áp lực sớm thì cũng được chui rèn bản lĩnh sớm. Thế nên hãy ngừng kêu ca, thay vào đó hãy nỗ lực biến áp lực thành hành động, hãy tìm cách để biến những cơ hội của trường chuyên thành lợi thế cho mình. Chẳng hạn, hãy đi tìm “chiến hữu” để học chung, hãy hỏi bí quyết apply của cô bạn cùng lớp vừa xuất sắc giành 5 học bổng toàn phần. Môi trường định hướng tính cách, kết giao và học tập cùng người giỏi sẽ khiến học trò khá lên từng ngày.
(Ảnh minh họa)
Năng lực của bạn đến đâu? Bạn học được những gì ở trường chuyên? Bạn sẽ là ai trong những năm tháng tới?
Advertisement
Thực tế, không có môi trường chuyên nào chỉ dạy học mà đào tạo ai đó thành một vĩ nhân. Trường chuyên chỉ trao cho nhiều cơ hội, nhiều con đường tắt để học trò có thể thành công nhanh hơn. Đó là mối quan hệ cho và nhận, học sinh học được những gì ở trường và tạo ra giá trị nào cho cuộc đời còn phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của mỗi cá nhân.
Xác định sẵn các áp lực khi học chuyên và định hướng bản thân khi vào đây sẽ khiến học trò không còn bỡ ngỡ trước những áp lực vô hình lẫn hữu hình. Suy cho cùng, nếu ngôi trường đã chọn cho ta động lực thức dậy vào mỗi sáng và luôn mỉm cười hạnh phúc khi đến lớp, vậy thì dù có học gì đi chăng nữa vẫn là điều đáng tự hào. Tuổi 15 còn quá trẻ và còn được quyền thử, được quyền sai lầm. Hãy cứ sống và nỗ lực theo đuổi cái tốt nhất. Đừng vội giới hạn bản thân vì vẫn còn nhiều tài năng ẩn sâu trong mỗi người.
Thế đây, không có trường chuyên hay trường thường nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người nhưng sẽ luôn có môi trường dành riêng cho mỗi học trò. Chúc các sĩ tử sớm nhận ra năng lực bản thân và tìm được trường nào tốt nhất cho mình!