Bỏ tấm bằng đại học ở Việt Nam, chị theo chồng sang Cộng hòa Séc làm công việc rửa xe nhưng chưa lần nào chị hối hận về quyết định của mình.
Công việc vất vả nhưng chị không hề hối hận về quyết định của mình.
Bằng đại học chỉ để làm kỷ niệm
Vợ chồng chị Linh sống ở cộng hòa Séc được 18 năm
Tốt nghiệp khoa Văn, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2010, chị Doãn Lâm quyết định kết hôn với một chàng trai đang định cư ở Séc và theo chồng sang miền đất mới lập nghiệp.
Vừa sang thì chị sinh con, ở nhà nuôi con nhỏ gần 2 năm, chị không thuộc đường sá, không biết tiếng. Chị thấy lúc đó mình ‘giống như mù chữ’. Chị cảm thấy cuộc sống bí bách, khó chịu mặc dù chồng lo toan mọi việc.
‘Không biết tiếng nên việc trò chuyện hay hoà nhập với hàng xóm cũng khó. Chăm con khoảng một năm rưỡi thì mình quyết tâm đi làm’ – chị Lâm kể.
Ban đầu chồng chị xin cho chị làm ở một trang tin của người Việt ở chợ Sapa (một khu chợ ở Praha). Công việc nhàn nhưng lương thấp, sau một thời gian, chị nghỉ việc và ra quầy rửa xe của chồng phụ giúp.
Nhu cầu giao tiếp tăng lên, chị quyết định đi học một lớp tiếng Séc miễn phí dành cho người nước ngoài hoà nhập với cuộc sống bản địa.
‘Ban ngày đi làm về cũng mệt nhưng tuần nào mình cũng lọ mọ đi học 2 buổi tối. Lúc ấy, mình học như nuốt từng chữ, học xong hôm sau ra chợ gặp khách vận dụng luôn. Nhiều khi mình còn nhờ khách chỉnh sửa phát âm, chính tả giúp mình’.
Học đi đôi với hành nên chỉ vài tháng, vốn tiếng Séc của chị đã giỏi hơn chồng. Sau đó, chị tự đăng ký thi lấy bằng rồi xin định cư 10 năm luôn.
‘Nếu ở Việt Nam, có bằng cấp, đi làm văn phòng thì vẫn sang hơn. Ở đây, nhiều khi mọi người trong chợ vẫn trêu, học đại học xong sang rửa xe à. Giả sử mà bố mẹ mình sang đây chứng kiến con gái làm việc vất vả thế này chắc cũng xót lắm’ – chị Lâm kể.
Nhưng chị nói, bù lại sự vất vả của bố mẹ là cuộc sống an nhàn của các con.
Trẻ con được quý như vàng
Trẻ em Séc được miễn học phí, sách vở cho đến hết đại học. Mỗi tháng chính phủ còn trợ cấp thêm 800 nghìn mỗi đứa trẻ.
‘Ở Việt Nam bây giờ, nếu có tiền có thể cho con học trường quốc tế, mọi thứ vật chất cũng không thiếu thốn gì, nhưng mình vẫn cảm thấy môi trường bên này tốt hơn Việt Nam rất nhiều’.
‘Ví như chuyện đi bác sĩ. Bác sĩ ở đâu cũng có chuyên môn cao, nhưng bác sĩ ở đây thực sự như mẹ hiền. Nhiều khi họ cẩn thận hơn cả mình. Ngày mình đi đẻ đứa thứ 2, đẻ xong, y tá cho về phòng nằm và nói với mình bằng giọng kiên quyết nhưng ánh mắt trìu mến: ‘Bạn nên nhớ là bạn còn có tôi ở đây nhé. Dù là vấn đề nhỏ nhất như đi vệ sinh, nếu bạn không đi được, hãy ấn chuông. Nửa giây sau, tôi sẽ có mặt ngay để giúp bạn’.
Những ngày ở viện, 2 mẹ con chị Lâm được chăm sóc tử tế, nhẹ nhàng, ân cần, đến nỗi chị còn ‘chả buồn ra viện’. Trẻ con mới sinh ra dù mẹ có giấy tờ sinh sống hợp pháp hay không hợp pháp, có bảo hiểm sinh đẻ hay không, bác sĩ không quan tâm. Nhiệm vụ của họ chỉ là đảm bảo sức khoẻ của đứa trẻ.
‘Mỗi đứa trẻ sẽ có một bác sĩ nhi chuyên chăm sóc sức khoẻ cho trẻ từ khi lọt lòng tới khi trưởng thành, thậm chí còn có bác sĩ răng, mắt, xương, dị ứng riêng nữa. Bác sĩ đặt lịch cho mình, cứ tới ngày thì mang con tới khám’, chị Lâm cho biết.
Trẻ em vừa sinh ra ở Séc sẽ được nhà nước cho 300 triệu đồng (tính theo tiền Việt) dù là công dân Séc hay người nước ngoài. Mỗi tháng, đứa trẻ đó còn được nhà nước cho thêm 800 nghìn đồng cho tới khi học xong. Học phí, sách vở hoàn toàn miễn phí cho tới hết đại học. Trẻ em đi học trường công mỗi tháng chỉ phải đóng 500 nghìn tiền ăn và 300 nghìn tiền trông trẻ từ trưa đến 5 giờ chiều.
Chị Lâm cho biết, sinh hoạt phí, thực phẩm ở Séc chỉ tương đương Việt Nam nhưng tiền đóng bảo hiểm, thuê nhà, thuê cửa hàng thì cao.
Cô giáo yêu chiều con hơn mẹ
Chị Lâm hoàn toàn yên tâm khi con mình được học trong một môi trường tràn đầy tình yêu thương từ các thầy cô. Còn chuyện học hành của con ở trường, chị cảm thấy vô cùng hài lòng về tình yêu thương của các giáo viên dành cho trẻ.
Kỳ vừa rồi, bé nhà mình bị cô phê bình là tiếng Séc kém. Cô bảo con có vấn đề rất lớn, muốn gặp quý phụ huynh để nói chuyện. Lúc gặp nhau, tôi nhờ cô hãy đe nẹt cháu để cháu sợ, về nhà còn học bài. Cô nói: ‘Bà cứ yên tâm, tôi sẽ doạ cháu. Nhưng vừa dứt lời, thằng bé nhà mình chạy từ ngoài sân vào lớp, 2 cô trò ôm hôn nhau trìu mến còn hơn cả mẹ’’.
Chị Lâm kể, trẻ con bên này được dạy theo kiểu vừa học vừa chơi, không có bài vở tối mặt như trẻ con Việt Nam. Tháng nào, lớp cũng tổ chức đi chơi, tham quan các lâu đài, di tích, sau đó về nhà vẽ lại đặc trưng ở đó, hoặc vẽ lại các nhân vật câu chuyện mà trẻ ấn tượng. Mỗi học sinh làm một kiểu khác nhau, kiểu gì cũng được, cô không áp lực phải làm thế này thế kia.
‘Dù con kém môn tiếng Séc, nhưng môn này dân bản địa cũng nhiều trẻ kém lắm, nên mình vẫn quyết định là không cho con đi học thêm’, chị Lâm khẳng định.
Chị Lâm kể, chị có một người bạn có hoàn cảnh tương tự. Ở Việt Nam, người bạn ấy cũng làm việc cho một tờ báo nhưng quyết định sang Séc đi làm thuê, sau đó tách ra làm riêng, rồi quyết định không về nữa. Dù vất vả vô cùng nhưng vẫn muốn trụ lại vì muốn cho con có cuộc sống tốt nhất có thể.
Hiện tại, công việc của vợ chồng chị ở cửa hàng rửa xe tuy vất vả nhưng khá ổn. Cửa hàng đông khách, làm không hết việc, tuy không ‘sang’ bằng bạn bè ở Việt Nam nhưng chị hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chị cho rằng đó là sự đánh đổi để ‘con được đi du học từ lúc lọt lòng’.
PV
Nguồn: vietnamnet